Một số thông tin về dân tộc Tày, Nùng
Sưu tầm
Dân tộc Tày Tên gọi khác: Thổ, Ngạn, Phén, Thu Lao, Pa Dí
Nhóm ngôn ngữ: Tày – Thái
Dân số: 1.200.000 người.
Cư trú Sống ven các thung lũng, triền núi thấp ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, Quảng Ninh và một số vùng thuộc Hà Bắc.
Đặc điểm kinh tế Người Tày có một nền nông nghiệp cổ truyền khá phát triển với đủ loại cây trồng như lúa, ngô, khoai... và rau quả mùa nào thức đó.
Tổ chức cộng đồng Bản của người Tày thường ở chân núi hay ven suối. Tên bản thường gọi theo tên đồi núi, đồng ruộng, khúc sông. Mỗi bản có từ 15 đến 20 nóc nhà. Bản lớn chia ra nhiều xóm nhỏ.
Hôn nhân gia đình Gia đình người Tày thường quí con trai hơn và có qui định rõ ràng trong quan hệ giữa các thành viên trong nhà. Vợ chồng yêu thương nhau, ít ly hôn. Đã từ lâu không còn tục ở rể.
Văn hóa Người Tày có một nền văn nghệ cổ truyền phong phú, đủ các thể loại thơ, ca, múa nhạc... Tục ngữ, ca dao chiếm một khối lượng đáng kể. Các điệu dân ca phổ biến nhất là hát lượn, hát đám cưới, ru con. Người Tày mến khách, cởi mở, dễ làm quen và thích nói chuyện. Họ rất trọng người cùng tuổi, khi đã kết nghĩa bạn bè thì coi nhau như anh em ruột thịt, bà con thân thích của mình.
Nhà cửa Nhà ở có nhà sàn, nhà đất và một số vùng giáp biên giới có loại nhà phòng thủ. Trong nhà phân biệt phòng nam ở ngoài, nữ ở trong buồng.
Thái Nguyên là vùng đất chuyển tiếp giữa trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh đồng bằng. Quá trình khai thác lãnh thổ và sinh sống cũng là quá trình phát triển và giao thoa, hội tụ. Trải qua những diễn biến của lịch sử cùng các hoạt động kinh tế-xã hội đã làm cho Thái Nguyên trở thành vùng hội nhập dân cư, văn hóa từ vùng núi phía Bắc xuống cũng như đồng bằng phía Nam lên. Tất cả các điều kiện trên đã tác động đến quá trình định cư, sinh sống, phân bố cũng như đặc thù sản xuất của cộng đồng dân tộc Tày - Nùng trong tỉnh.
Trong quá trình định cư, cư dân Tày - Nùng đã lựa chọn cho mình những địa bàn thuận lợi để sinh sống và sản xuất. Nơi ở của họ thường gắn với nơi sản xuất, canh tác. Do vậy, địa bàn canh tác của cư dân Tày - Nùng là những thung lũng, khe suối, chân núi, những cánh đồng giữa núi và trên những suờn đồi thấp.
Đây là những địa bàn gần nguồn nước có đất đai trù phú.
Cư trú trên những cánh đồng màu mỡ ở các thung lũng miền núi của tỉnh, người Tày đã có một nền nông nghiệp cổ truyền khá phát triển. Trong các xã người Tày sinh sống (Khe Mo, Quang Sơn, Hòa Bình, Văn Hán, Tràng Xá, Phú Thượng…) có hầu hết các loài cây trồng thích hợp với khí hậu miền Bắc nước ta. Lúa, ngô có nhiều loại, cùng với lúa là cây lương thực chính, đồng bào còn trồng các loài cây hoa màu như khoai lang, khoai sọ, củ từ, rau, đậu…
Tính đa dạng của sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên mà còn phụ thuộc vào kinh nghiệm sản xuất của đồng bào. Kỹ thuật làm đất gắn liền với tính đa dạng của công cụ, công cụ làm đất là cày, bừa, cuốc, bàn mai… Cơ cấu mùa vụ khá đa dạng, trên những chân ruộng nước, đồng bào thường trồng hai vụ lúa mùa và đông xuân, ở chân ruộng cạn trồng ngô, khoai lang, rau đậu…
Thời vụ gieo trồng khá chặt chẽ, đồng bào chủ yếu dựa vào tiết âm lịch nhưng cũng dựa vào hiện tượng tự nhiên để canh tác như khi nhìn lên rừng thấy gió lật lá tức sắp có mưa thì không gieo mạ, khi có hoa gạo thì trời đã ấm, lúc đó có thể trồng ngô, khi quả đậu da ngả màu tím thì nên cấy lúa.
Để có năng suất cao, đồng bào Tày đặc biệt quan tâm đến việc bón lót, bón thúc. Cùng với việc bón phân, họ đã chú ý đến làm công tác thủy lợi. Ngoài việc đắp bờ, cày sâu, bừa kỹ để ruộng có thể giữ nước được lâu họ còn làm phai, guồng nước (cọn) để đưa nước lên ruộng thường xuyên.
Bên cạnh việc làm ruộng nước, đồng bào còn làm nương bãi. Nương ở chân đồi hay ven rừng thường trồng ngô, sắn, đậu, lạc, chè, vừng… Đồng bào còn có nhiều kinh nghiệm trong việc xen canh, gối vụ trên các loại đất. Do hoàn cảnh cư trú khiến người Nùng ở Thái Nguyên và ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc khó khăn trong sinh sống bằng nông nghiệp ruộng nước. Nương và rẫy đối với họ rất quan trọng. Kỹ thuật làm nương rẫy của người Nùng không mấy khó khăn nhờ tích lũy được kinh nghiệm. Để tăng độ ẩm cho đất và tăng năng suất cây trồng ngoài cách bón phân, đồng bào còn trồng xen các loại cây khác như ngô xen đỗ nho nhoe…
Dù là một vụ hay hai vụ, ruộng ở cánh đồng lớn hay cánh đồng bình thường thì canh tác của hai dân tộc cùng đặc điểm là làm đất rất kỹ. Hiện nay, do hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn chỉnh nên ruộng hai vụ tăng lên. Việc áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật đang được đẩy mạnh, nhiều trạm máy kéo xuất hiện, máy móc, công cụ sản xuất, vật tư nông nghiệp được đồng bào sử dụng một cách phổ biến.
Sản xuất nông nghiệp đòi hỏi và cũng tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển. Trong chăn nuôi, cư dân Tày - Nùng đều nuôi gia súc (trâu, bò, lợn, ngựa…), gia cầm (gà, vịt, chim), nuôi ong cũng khá phát triển ở những nơi gần rừng (Khe Mo, Đoàn Kết - Đồng Hỷ), nhiều nơi đã thu được lượng mật tốt. Chăn nuôi chủ yếu lấy phân bón, sức kéo, thịt… Nhiều gia đình ở vùng thấp còn có ao thả cá, diện tích vài chục đến vài trăm m2. Một số nơi đồng bào Tày - Nùng còn thả cá ruộng vừa làm sạch ruộng vừa cải thiện bữa ăn (Ôn Lương, Hợp Thành, Phú Lương).
Các nghề thủ công tuy là nghề phụ nhưng cũng khá phát triển trong đời sống cư dân Tày - Nùng. Nổi bật nhất là nghề trồng bông, chàm, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm. Ngoài ra còn đan lát, nghề mộc, rèn, làm gạch ngói, nung vôi. Tuy nhiên, các nghề thủ công này đều mang tính chất mùa vụ, chỉ được đồng bào sử dụng khi nông nhàn. Hiện nay, một số nghề đã mai một dần ( nghề rèn, đúc), đồng bào chủ yếu sử dụng các vật dụng mua sẵn chứ không tự sản xuất như trước đây, đặc biệt nghề dệt vải, nhuộm chàm vốn là nghề truyền thống của hai dân tộc nay còn lưu giữ nhưng không nhiều. Những tấm vải chàm được làm ra từ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ chỉ để sử dụng trong gia đình, họ dùng để may quần áo cho các thành viên trong gia đình chứ không là sản phẩm hàng hóa phổ biến.
Ngoài hoạt động kinh tế truyền thống thì săn bắt, hái lượm với tư cách là một hình thái kinh tế tồn tại ít nhiều ở các vùng và các nhóm địa phương. Sản phẩm hái lượm là rau (rau bồ khai, rau ngót rừng, lá móc mật…), củ, quả, nấm và mọc nhĩ. Sản phẩm săn bắn là thú rừng: sóc, dũi, chim… Hiện nay, diện tích rừng tự nhiên không còn nhiều, hoạt động săn bắt của hai dân tộc Tày - Nùng cũng hạn chế. Kinh tế tự nhiên đang bị thu hẹp dần và cùng với đó là sự mở rộng của kinh tế hàng hóa.
- VIDEO CLIP:
+ ĐỢI NÀNG, sáng tác nhạc sỹ Phó Đức Phương, trình bày nghệ sỹ Xuân Ái và Tốp nữ.