Chủ Nhật, 26 tháng 12, 2010

đàn Kanhi

Đàn Kanhi

Đàn Kanhi là nhạc cụ họ dây, chi kéo của dân tộc Chǎm. Kanhi có hình dáng gần giống với Đàn Nhị của người Việt, chỉ khác bầu cộng hưởng của nó làm bằng mai rùa vàng. Vì vậy còn gọi là "Nhị Mai Rùa". Đàn gồm một cần bằng tre nhỏ đặc cỡ ngón chân cái, dài khoảng 84 cm, một đầu cắm xuyên qua bầu cộng hưởng, đầu trên lắp hai trục để lên dây gọi là hai tai Kanhi. Hai dây đàn bằng dây tơ se lên theo quãng 4. Một sợi dây tơ néo 2 dây vào sát cần đàn gọi là "cữ đàn" có tác dụng điều chỉnh độ cao thấp của âm thanh. Khi đưa cữ đàn xuống làm ngắn quãng dây phát âm, đàn có âm thanh cao. Đẩy cữ đàn lên làm dài quãng phát âm, đàn có âm thanh trầm. 

Trống Paranưng (trái) đàn Kanhi (giữa) lục lạc (phải)
Cung kéo bằng tre uốn cong hình cánh cung, dây kéo làm bằng lông đuôi ngựa dài khoảng 65 cm được luồn vào giữa hai dây đàn. Khi diễn tấu người sử dụng kéo, đẩy cọ sát dây kéo vào hai dây đàn để phát ra âm thanh. Mặt đàn làm bằng gỗ xốp, nhẹ, ở giữa gắn một bộ phận gọi là "ngựa đàn" dùng để mắc dây. Âm thanh của Kanhi ấm, nhẹ nhàng hơi huyền bí, bi ai nên người Chǎm thường dùng nó trong các đám tang và hát lễ.
Theo truyền thuyết Chăm đàn Kanhi là biểu tượng cho 4 đứa con của thần mẹ xứ sở - Po Inư Nưgar có tên là: Jakak, jakan chuyên trông coi việc trên trời và jalo, jalai trông coi ở trần gian (dun ya). Do vậy đàn Kanhi người Chăm sử dụng trong hai trường hợp sau:
- Kanhi dùng trong đám tang gọi là “Kanhi đam”. Người Chăm thường sử dụng 2 đàn Kanhi cho đám tang 2 thầy Paseh và sử dụng 4 cái cho đám tang 4 thầy Paseh. Kanhi trong nghi lễ này do nghệ nhân biểu diễn phục vụ cho công việc trần gian là nhằm để phụ hoạ với bài hát lễ tiễn đưa hồn người quá cố về thế giới bên kia.
- Đàn Rabap cũng tương tự, cùng họ với đàn Kanhi trên nhưng chỉ được sử dụng đơn chiếc. Rabap vừa là vật tổ môn phái của thầy Kadhar - một thầy tín ngưỡng dân gian Chăm thờ thần mặt trời (yang prong). Do đó Rabap chỉ được thầy Kadhar sử dụng để hoà âm với các bài thánh ca, ca ngợi các vị thần trên trời ở lễ hội như lễ hội đền tháp, lễ tế thần linh puis, payak, lễ tế trâu…
Cả hai loại Kanhi và Rabap đều có 2 ấm chính: kò và kí. Khi diễn tấu thầy Kadhar phải ngồi xếp bằng đặt tay lên đùi tay phải kéo cánh cung, tay trái điều khiển nốt nhạc. Khi khai lễ (Pachah yawa Rabap) thầy Kadhar phải kéo Rabap phát ra 3 tiếng khò và 3 tiếng khí để thức giấc mọi sinh linh và các thần thánh ở vũ trụ.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét