Tàn Máng
Tàn Máng - hay còn gọi là Bầu Bương - là nhạc họ dây, chi gẩy của dân tộc Mường. Tàn Máng có hình dáng gần giống đàn bầu của dân tộc Việt, nhưng cấu tạo đơn giản hơn. Đàn gồm các bộ phận: Thân đàn (hộp cộng hưởng), Vòi đàn, dây đàn và trục lên dây. Thân đàn hay còn gọi là hộp cộng hưởng được làm bằng 1 đoạn ống tre hoặc bương dài khoảng 134 cm, đường kính 14 cm, đã được lóc hết phần cật. Người ta cắt một phần mặt ống để làm đáy đàn và cũng là chỗ để thoát âm. ở phía đầu đàn có một thanh tre dài 36 cm được cắm xuyên qua thân đàn xuống đáy đàn gọi là vòi đàn. Vòi đàn đóng vai trò để tạo ra các âm thanh cao thấp khác nhau nằm ngoài các bồi âm cơ bản của đàn. Trục lên dây ở phía cuối đàn làm bằng tre dài khoảng 30 cm, cắm ngang xuyên qua 2 cạnh thân đàn. Dây đàn làm bằng tơ tằm xe thành sợi (nay thay bằng dây sắt). Dây đàn có chiều dài chạy suốt thân đàn, 1 đầu luồn qua một lỗ nhỏ ở mặt đàn rồi sâu vào trục lên dây, 1 đầu kéo chếch lên buộc vào vòi đàn. ở phía trước lỗ nhỏ có một miếng gỗ nhỏ đỡ dây đàn gọi là ngựa đàn. Tàn Máng có âm vực là 3 quãng 8.
- Quãng tám thứ nhất: Tiếng đàn dịu ngọt, ấm áp, sâu lắng.
- Quãng tám thứ hai: Tiếng đàn trong sáng, trữ tình.
- Quãng tám thứ ba: Diễn tả tình cảm cǎng thẳng, tiếng đàn đanh khô, kém vang, ít dùng.
Độc tấu Tàn Máng - một điệu Lưu Thủy
Biểu diễn Nghệ nhân Bùi Văn Tiến - dân tộc Mường (Hòa Bình)
Người ta chơi Tàn Máng bằng cách tay phải cầm que gẩy vào dây, đồng thời cạnh bàn tay chạm nhẹ vào điểm bồi âm để tạo nên âm bồi, gẩy xong cạnh bàn tay nhấc ra khỏi dây. Tay trái điều khiển cần đàn tạo thêm nhiều âm thanh khác nhau và tạo ra các ngón kỹ thuật như: Ngón rung, ngón nhấn, ngón vỗ, ngón giật, ngón vuốt.Tàn máng là nhạc cụ dùng để độc tấu hoặc hòa tấu trong sinh hoạt thường ngày của người Mường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét